Bà vẫn yêu cháu nhiều

Thái Anh
Chia sẻ

Tranh thủ lúc cháu nội được nghỉ hè, bà khăn gói quả mướp từ quê lên phố chơi với cháu đôi tháng. Đón bà, cô cháu reo lên vui mừng: “Nhà có thêm bà thật là thích vì bà lúc nào cũng là người yêu cháu nhất”.

Cháu nói quả không sai. Vốn có tâm lý bà cháu xa nhau lâu ngày nên bà cũng có ý chiều cháu hơn một chút.

Hàng ngày, con trai, con dâu bà đi làm vắng. Cháu gái ở nhà được mẹ giao việc cơm nước (mẹ cháu đã đi chợ), dọn dẹp nhà cửa, chạy máy giặt, phơi, gấp quần áo. Nhưng khi mẹ vừa ra khỏi nhà, cháu nội bắt đầu mèo nheo, ỉ ôi để bà phải chiều mình. Nào thì cháu đòi bà nấu ăn sáng cho, ăn xong lại lấy cớ đau bụng trốn lên phòng để bà dọn rửa. Trưa đến, thấy cháu vẫn đang ngủ nướng, không nỡ đánh thức cháu nên bà lại lọ mọ xuống bếp nấu cơm cho hai bà cháu ăn. Và thế là từ đó, cháu chuyển giao luôn việc “nấu ngày hai bữa” cho bà. Rồi cô cháu cũng tiện thể nhờ: “Bà ơi quét giúp cháu cái nhà”, “Bà ơi lau giúp cháu cái mặt tủ kẻo mẹ thấy bụi, lại mắng cháu”, “Bà ơi, máy giặt chạy xong rồi, bà phơi quần áo cho cháu nhé”. Nghe giọng mè nheo ấy, bà khẽ vụt yêu mấy cái vào tay cô cháu gái rồi gật đầu: “Được rồi để bà làm cho. Tội nghiệp cháu, còn ở nhà thì còn được chiều thế này, chứ mai này làm dâu nhà khác thì bà có đi theo được đâu”.

Thế là suốt cả một tháng đó, bà nội giấu mọi người, cứ âm thầm hỗ trợ cháu gái. Cho đến trưa hôm đó, cháu gái vẫn quen thói ỉ lại vào bà, đến bữa trưa mà cứ nằm dài trong phòng lướt web không chịu xuống ăn. Sợ cháu đói, bà lại hì hụi xếp mâm mang lên phòng cho cháu ăn. Nào ngờ, đi được mấy bậc, bà bị tụt huyết áp, chóng mặt nên ngã khựu xuống, đổ cả mâm cơm. Cú ngã khiến chân bà sưng to, đi lại tập tễnh nên không hỗ trợ cháu làm việc nhà được nữa.

Bà vẫn yêu cháu nhiều - 1

Ảnh minh họa

Đến lúc này mọi việc bị vỡ lở. Con trai, con dâu bà sau khi biết chuyện liền thưa: “Mẹ làm vậy không phải là thương cháu mà lại dung túng cho cái sự lười biếng, ỉ lại của cháu đấy ạ. Lẽ ra, yêu bà, thương bà thì cháu phải biết ý không để bà làm việc nhà, rồi còn nấu cơm cho bà ăn. Đằng này, cháu thì khỏe mạnh mà lại nằm không để mặc cho bà nội gần 80 tuổi phục vụ. Chưa kể cháu cũng 17 tuổi rồi, đã đến lúc phải học tề gia nội trợ rồi ạ”.

Bà định thanh minh cho cháu thì con dâu bà lại nói: “Mẹ đừng nghĩ cháu làm việc nhà là vất vả, khổ sở. Sau này, cháu của bà có ý định du học, vậy ngay từ bây giờ không tự học kỹ năng sắp xếp việc nhà, biết nấu ăn cho mình và mọi người thì sau này làm sao cháu sinh tồn được ạ”. Rồi bố mẹ cháu lại quay sang phê bình con gái, đành rằng cháu gái nũng nịu, thích bà dỗ dành một chút nhưng không phải là thản nhiên sai việc bà. Bà lên thành phố là để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, chơi với con cháu mà cuối cùng lại bị... cháu làm cho đuối sức. Lần này, may mà bà không gặp vấn đề nguy hiểm, nếu không thì cả nhà sẽ ân hận lắm.

Nghe xong, cả hai bà cháu cùng nhìn nhau trong im lặng. Trong ánh mắt của cháu, bà đọc được lời xin lỗi sẽ không lười biếng, vô tâm rồi đùn việc cho bà nữa. Còn trong ánh mắt của bà, cháu đọc được lời bà nói: “Được rồi, nhưng mà bà vẫn yêu cháu rất nhiều”.

Chia sẻ

Thái Anh

Tin cùng chuyên mục

Nhân danh người nhà

Nhân danh người nhà

Là người nhà thì ta có thể tha hồ ném vào nhau mọi thứ tốt xấu của mình ư?