Ba Vì là huyện có địa bàn rộng với diện tích 424,5km2, có 31 xã, thị trấn được chia làm 3 vùng: vùng núi, vùng đồi gò và vùng đồng bằng ven sông. Riêng khu vực miền núi có 7 xã với 76 thôn. Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp chia sẻ rằng, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực 7 xã này đều không còn đặc biệt khó khăn.
Sức sống nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nỗ lực ấy có được, theo ông Giáp, là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự tập trung quan tâm chỉ đạo của Thành phố, sự quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực của nhân dân, kinh tế - xã hội khu vực miền núi huyện Ba Vì. “Thu nhập bình quân đầu người được tăng (khu vực miền núi năm 2023 đạt 60 triệu đồng/người/năm, đến năm 2024 ước đạt 67 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo khu vực 7 xã miền núi năm 2023 giảm còn 0,44% (với 80 hộ nghèo), phấn đấu hết năm 2024 không còn hộ nghèo. 7/7 xã miền núi của huyện đã đạt nông thôn mới năm 2021 và tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Giáp phấn khởi cho biết. Huyện Ba Vì đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, trong thành công ấy có đóng góp rất lớn của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh (thứ 4 từ phải sang) trao bức trướng chúc mừng Đại hội dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024
Đặc biệt, trong 5 năm qua, toàn huyện Ba Vì đã có trên 40.000 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp, trong đó trên 30% là nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số của huyện, nhiều hộ đạt liên tục 3 năm trở lên góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và trực tiếp giúp đỡ hộ khó khăn thoát nghèo, cận nghèo... “Nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu đã được hội viên nông dân vùng Đồng bào DTTS&MN triển khai đã và đang mang lại hiệu quả như: Mô hình “chăn nuôi bò sữa”, “nuôi ong mật” ở các xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Khánh Thượng, mô hình “trồng và chế biến tinh bột, sản xuất miến dong an toàn” ở xã Minh Quang, mô hình “trồng và chế biến thuốc nam” của đồng bào người Dao tại xã Ba Vì, mô hình “trồng và sản xuất chè an toàn” ở các xã Ba Trại, Yên Bài, mô hình “trồng cây mai trắng, trồng đào và hoa cây cảnh” ở các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, mô hình “trồng bưởi Diễn, cam Canh” ở các xã Yên Bài, Minh Quang… đã tạo nên bức tranh sinh động về phát triển kinh tế của đồng bào miền núi, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường cho biết.
Bản sắc văn hóa truyền thống “sống” trong lòng nhân dân
Tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Quốc Oai, đồng bào dân tộc Mường phấn khởi: “Với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP Hà Nội, vùng Đồng bào dân tộc thiểu số hai xã Phú Mãn và Đông Xuân đã có nhiều đổi thay tích cực. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được nâng cấp ngày một đồng bộ, đời sống vật chất - tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao”. Bà Hà đề xuất TP Hà Nội tiếp tục quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống ở vùng Đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này đã được TP Hà Nội quan tâm, huyện Quốc Oai tích cực triển khai thực hiện, nhưng cần có lộ trình và nguồn lực lớn mới có thể phát triển bền vững.
Bà Hà cho rằng, việc triển khai công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch góp phần vừa phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của vùng DTTS, vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập giúp xây dựng nông thôn mới.
Đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước.
“Huyện tiếp tục triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh trong các nhà trường. Tại 2 xã DTTS&MN của huyện đã thành lập đội, câu lạc bộ cồng chiêng, câu lạc bộ bảo tồn văn hóa các DTTS, thường xuyên tổ chức tập luyện sưu tầm các bài diễn tấu cồng chiêng Mường, các làn điệu dân ca Mường, mua sắm trang bị thêm cồng chiêng cho các thôn…”.
Những kết quả rất tích cực và toàn diện trong công tác dân tộc của thành phố trong những năm qua cho thấy, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và thành phố; nhân tố then chốt và quyết định sự thành công là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của từng cộng đồng các dân tộc, sự linh hoạt, sáng tạo trong hành động của mỗi gia đình, mỗi cá nhân đồng bào. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Y Thông nhấn mạnh, cùng với phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất của đồng bào, cần phải quan tâm bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, đa dạng, phong phú thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam. Đặc biệt là chú trọng xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc, đây là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Bước vào nhiệm kỳ mới, để tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy lòng yêu nước, xây dựng, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào DTTS vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc. Xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, có tính chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển của Thành phố. Bên cạnh đó tiếp tục huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tạo điều kiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với vùng ngoại thành và đô thị....