Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đứng trước thời cơ lớn để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của mình. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Những thách thức và cơ hội
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mở ra vận hội chưa từng có để nhân dân Việt Nam, để phụ nữ Việt Nam có thể phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ, tài năng, khát vọng cống hiến vì sự thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc của gia đình và cá nhân mình.
Hoà vào khí thế chung của cả đất nước, đông đảo lực lượng phụ nữ Việt Nam đã phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu và 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, tự tin bước vào kỷ nguyên mới với vai trò, trọng trách hết sức quan trọng.
Trong giai đoạn hiện nay, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Hiện nay, với hơn 50,1% dân số, 46,8% tỷ trọng lực lượng lao động trung bình của cả nước, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên bằng tài năng, trí tuệ và trách nhiệm, các tầng lớp phụ nữ khẳng định vai trò to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh họa
Trong lĩnh vực chính trị, đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngày càng phát triển. Tỷ lệ nữ cấp ủy 3 cấp của toàn quốc nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt và vượt chỉ tiêu 15%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Việt Nam đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội; được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ lực lượng lao động nữ ở khu vực nông thôn chiếm 62,9% là một lực lượng lao động chính tại khu vực nông thôn, chiếm đông đảo trong nguồn nhân lực của đất nước. Với tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng lên so với những năm gần đây, Việt Nam xếp thứ 6 trong tổng số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và cũng là đại diện châu Á duy nhất nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, giữ vị trí cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong lĩnh vực giáo dục - văn hóa - thể thao - du lịch, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ mạch nguồn tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vai trò của vận động viên nữ trong thi đấu đỉnh cao có vai trò và đóng góp quan trọng vào nền thể thao nước nhà. Trong tổng số 205 huy chương vàng mà đoàn thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 31 các nữ vận động viên đóng góp hơn một nửa. Đội ngũ nữ trí thức cũng ngày càng phát triển. Theo danh sách được công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, giai đoạn 2019 - 2023, có tổng số 2.059 vị, trong đó, 534 Giáo sư và Phó Giáo sư là nữ, chiếm 26%.
Các lực lượng phụ nữ Việt Nam cũng luôn đóng góp quan trọng trong công tác an ninh quốc phòng, gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam độc lập, hòa bình và phát triển và đóng góp tích cực cho mục tiêu hòa bình của khu vực và thế giới. Với 12 nữ tướng xông an, 7 nữ tướng quân đội và đông đảo phụ nữ lực lượng vũ trang, chị em luôn kiên cường, kỷ cương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 51 nữ quân nhân đã tham gia lực lượng giữ hòa bình Liên hợp quốc, chiếm 14,2 % tổng số quân nhân Việt Nam tham gia, cao hơn tỷ lệ mong đợi của Liên hợp quốc…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả phát triển, tiến bộ và đóng góp của phụ nữ, nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ cần tiếp tục quan tâm trong bối cảnh hiện nay như: Đói nghèo, biến đổi khí hậu, thay đổi chức năng gia đình; bạo lực gia đình, tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người, lây nhiễm HIV/AIDS, các vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em… Tình trạng định kiến, khuôn mẫu giới còn tồn tại, tác động đến cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội. Bên cạnh đó, các vấn đề như già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, nguy cơ tụt hậu của một bộ phận không nhỏ lao động nữ khi công nghệ phát triển như cơ giới hóa, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… có ảnh hưởng nhất định đến phụ nữ.
Ảnh minh họa
Phụ nữ phát huy tiềm năng, sức sáng tạo
Kỷ nguyên mới là giai đoạn đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho đất nước nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng. Với bản lĩnh kiên cường và sức sáng tạo mạnh mẽ, các tầng lớp phụ nữ chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, tích cực tham gia vào hành trình xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Để phát huy vai trò đặc biệt quan trọng ấy, ngoài sự nỗ lực của bản thân người phụ nữ, rất cần có sự hỗ trợ tích cực từ gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Chính phủ và các ngành, các địa phương cần quan tâm, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Cần mạnh dạn trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ trong kỷ nguyên số; phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, với trách nhiệm của một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chọn chủ đề năm 2025 là “Phát huy vai trò của phụ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, thể hiện quyết tâm của tổ chức Hội và cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước, sẵn sàng cho một bước tiến quan trọng của đất nước.
TS. nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định phụ nữ nói riêng và tất cả mọi người nói chung cần thay đổi tư duy, hành động quyết liệt, đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo để vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, đưa đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững. Bên cạnh đó, mỗi phụ nữ Việt Nam hãy phát huy trí tuệ, khí phách, bản lĩnh, đoàn kết cùng toàn dân tộc, xứng đáng với truyền thống của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường.
PGS.TS Lê Thị Thục, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng nhấn mạnh: Trong kỷ nguyên mới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam. Bởi quyền năng kinh tế của phụ nữ không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, chính trị mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức như bất bình đẳng thu nhập, hạn chế trong tiếp cận nguồn lực và định kiến giới. Do đó, cần những giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan, tổ chức, Hội LHPN Việt Nam và từ chính bản thân phụ nữ.
ThS. Ngọ Văn Khuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương cho rằng, mỗi người phụ nữ hiện nay cần làm chủ tư duy, làm chủ hành động và làm chủ cuộc sống. Bản thân phụ nữ cần tự nâng cao sức mạnh, vị thế, khắc phục khó khăn, nỗ lực học tập nâng cao trình độ mọi mặt và rèn luyện các kỹ năng để trở thành người “Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” với 4 tiêu chí: Có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước; có những hành động tích cực để hướng tới thành công.