Tính đến tháng 3/2025, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 37 hợp tác xã do Hội LHPN các cấp hỗ trợ tư vấn thành lập. Trong quá trình vận hành mô hình HTX, cán bộ Hội các cấp cũng thường xuyên đồng hành cùng các thành viên. Đây là kết quả nỗ lực của tổ chức Hội trong thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” trên địa bàn TP Hà Nội nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể.
Nhân rộng nhiều mô hình hợp tác xã do nữ làm chủ
Tại huyện Ba Vì, vừa qua Hội LHPN Hà Nội đã hỗ trợ ra mắt Hợp tác xã nông nghiệp, tổng hợp, dịch vụ thương mại hương quê Ba Vì do bà Phan Thị Năng làm chủ. Mô hình hợp tác với hoạt động chính là thu mua, chế biến các sản phẩm nông sản thô của người nông dân tại địa phương và các hộ tham gia dự án “Cộng đồng thực hành phương pháp nông nghiệp tương hợp năng lượng” do Thành Hội triển khai tại 3 xã Khánh Thượng, Minh Quang và Yên Bài.
Theo bà Lê Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì, thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội, của UBND huyện Ba Vì về triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Ba Vì triển khai đến các cơ sở Hội, quan tâm đến các nữ chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, có mong muốn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Đồng thời, Hội LHPN các xã, thị trấn phối hợp khảo sát thực tế tại các hộ sản xuất kinh doanh tại địa bàn.
Qua rà soát nhu cầu thực tế tại xã Chu Minh, nhận thấy hộ sản xuất tại gia đình của bà Phan Thị Năng có liên kết với một số hộ tại địa phương sản xuất, chế biến các mặt hàng từ sản phẩm nông sản của quê hương, để giúp nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất của các hộ sản xuất kinh doanh các mặt hàng chế biến từ nông sản, Ban Thường vụ (BTV) Huyện Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động các hộ gia đình liên kết với nhau để thành lập hợp tác xã. Sau khi được hướng dẫn và tìm hiểu về mô hình hợp tác xã, đã có 6 hộ gia đình đăng kí tham gia và thành lập HTX nông nghiệp, tổng hợp, dịch vụ thương mại hương quê Ba Vì do bà Phan Thị Năng làm chủ.
Các đại biểu chúc mừng mô hình HTX Đông Nam Dược Cát Linh quận Đống Đa.
Bà Phan Thị Năng, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, tổng hợp, dịch vụ thương mại hương quê Ba Vì cho biết: HTX với 6 thành viên sáng lập, hoạt động theo mô hình sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ; sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu nông sản được sản xuất trên địa bàn huyện HTX. 90 % thành viên là lao động nữ. Trong thời gian tới, HTX dự kiến sẽ đầu tư thêm hệ thống chiết xuất tinh dầu hiện đại nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, trong đó có các mặt hàng tinh dầu thiên nhiên. Đồng thời, HTX tập trung vào các hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, gồm: Trồng rau, đậu các loại và trồng hoa; trồng cây gia vị, cây dược liệu, cây hương liệu lâu năm như: nghệ, gừng, rau mùi già...
Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tại quận Tây Hồ, trong tháng 3 vừa qua, Hội LHPN quận đã tổ chức ra mắt mô hình HTX Trà sen Quảng An Hương Thủy do chị Bùi Thị Minh Hằng làm chủ nhiệm. Đây là mô hình kinh tế hợp tác hoạt động theo hướng sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ không chỉ tạo ra những sản phẩm trà sen chất lượng cao mà còn giúp chị em hội viên phụ nữ và người dân có nguồn thu nhập ổn định.
Bà Trương Tú Quyên, Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ cho biết: Nghề ướp trà sen tại Quảng An không chỉ là một phương thức sản xuất đơn thuần mà còn là một nét văn hóa đặc sắc, thể hiện sự tinh tế của người Hà Nội trong cách thưởng trà. Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghề truyền thống trong bối cảnh thị trường kinh tế ngày càng cạnh tranh, Quận Hội đã chủ động hướng dẫn Hội Phụ nữ phường Quảng An khảo sát thực tế, tuyên truyền vận động các hộ gia đình sản xuất trà sen cùng nhau liên kết thành lập mô hình HTX. Sau quá trình triển khai với sự hướng dẫn trực tiếp từ các cấp Hội, đã có 6 hộ gia đình làm nghề ướp trà sen đã đăng ký tham gia. “Sau khi thành lập, HTX đã thu hút thêm 10 hộ gia đình tham gia sản xuất. Để nhiều người biết đến trà sen Quảng An, chúng tôi đã cùng nhau thống nhất các quy chuẩn chung, từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật ướp trà. HTX áp dụng quy trình sản xuất khép kín, từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đến kỹ thuật ướp trà sen truyền thống”, chị Bùi Thị Minh Hằng, chủ nhiệm HTX cho biết.
Tại quận Đống Đa, Hội LHPN quận đã tổ chức ra mắt mô hình Hợp tác xã Đông Nam Dược Cát Linh chuyên sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu sạch và đào tạo điều dưỡng Đông y. Đây là mô hình HTX đầu tiên do phụ nữ quận Đống Đa quản lý, điều hành. Theo bà Trần Thị Minh Xuân, Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa, qua khảo sát thực tế của Hội LHPN tại phường Cát Linh, hiện nay một số hộ đã và đang kinh doanh các loại thực dưỡng, các loại trà hoa quả, trà lá; ký hợp tác liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm đông y. Để giúp nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất của các hộ kinh doanh, Hội LHPN quận và phường đã tuyên truyền vận động các hộ gia đình tham gia, liên kết để thành lập hợp tác xã. Vừa qua, Hợp tác xã Đông Nam Dược Cát Linh đã được thành lập và tổ chức ra mắt với 20 thành viên, do chị Đặng Thị Thu Thủy làm giám đốc.
Các đại biểu tham quan một số sản phẩm của mô hình HTX nông nghiệp, tổng hợp, dịch vụ thương mại hương quê Ba Vì.
Hỗ trợ đồng hành với các mô hình HTX
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”; BTV Hội LHPN Hà Nội ban hành Kế hoạch số 139/KH-BTV ngày 17/1/2025. Cùng với sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành uỷ Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, Hội LHPN Hà Nội đã chủ động chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, Liên minh HTX thành phố trình UBND thành phố ban hành kế hoạch của UBND thành phố về việc triển khai Đề án 01 của Chính phủ “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.
Tính đến tháng 3/2025, trên địa bàn thành phố đã có 37 HTX do Hội LHPN các cấp hỗ trợ tư vấn thành lập và trong quá trình vận hành thường xuyên đồng hành với các Hợp tác xã. Có 47 tổ hợp tác là những nhân tố có tiềm năng, nguồn để tư vấn hỗ trợ trở thành các HTX do phụ nữ tham gia quản lý điều hành. Từ sự hỗ trợ của Hội, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã chủ động tăng quy mô sản xuất, thu hút thêm thành viên; mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi và phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các HTX cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ cho các HTX phát triển. Một số kiến thức kỹ năng trong quản trị HTX, trong quản lý điều hành, đặc biệt những kiến thức để ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số, truyền thông cho các HTX này còn rất nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tổ chức các buổi tập huấn “Những điểm mới Luật Hợp tác xã năm 2023 và một số cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã hiện nay” cho cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô; tổ chức chương trình truyền thông “Vai trò của phụ nữ tham gia chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã” tại các quận, huyện Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, …
Đặc biệt, chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ số vào quản lý và tiêu thụ sản phẩm đã giúp các HTX do phụ nữ làm chủ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử. Một số mô hình HTX điển hình đã đạt được thành công đáng kể, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nữ nổi bật như: Mô hình HTX Nông nghiệp sạch Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đã ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm, hay HTX Dệt may Hồng Hà quận Long Biên đã phát triển thành công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu…