Cơn bão số 3 được đặt tên là Yagi và sau đó là lũ gây nên vô số thiệt hại đau thương, mất mát cả người và của ở các tỉnh phía Bắc đã đi qua, nhưng những thương tổn mà nó để lại chắc chắn còn kéo dài dai dẳng và khó có thể “lành lặn” trong ký ức của nhiều người. Cùng với những người dân cả nước, vừa qua, nhiều người dân Thủ đô cũng tích cực triển khai các hoạt động nghĩa tình với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.
Những ngày qua và cho đến tận lúc này, chúng ta vẫn đang tiếp tục chứng kiến từ khắp nơi trên đất nước ta, người Việt bằng cánh tay nối dài của mình đã giang ra để sẻ chia với những thảm cảnh do cơn bão số 3 gây ra. Từ Hà Nội, những chuyến xe cứu trợ được treo cờ Tổ quốc, những người trẻ tuổi không ngại đường xa nguy hiểm đã lên đến tận những điểm bị cô lập để đem đồ ăn, thức uống cho người dân, nhiều người ở các vùng miền thức trắng đêm lo gói bánh, làm cơm, làm ruốc... để gửi cho người dân cũng như lực lượng cơ quan chức năng, bộ đội… làm công tác cứu hộ, cứu nạn. Họ, cũng nhiệt tình góp của ủng hộ đồng bào bằng cách gửi tiền vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để giúp mỗi người dân gặp nạn sẽ có cơ hội khôi phục nhanh nhất lại cuộc sống sau bão, lũ. Người lớn tiền trăm tiền tỷ, trẻ nhỏ thậm chí ủng hộ các bạn cùng trang lứa của mình bằng bữa ăn sáng. Mấy chục ngàn bỗng nặng trĩu tình cảm và sự yêu thương. Lại một lần nữa, những người Hà Nội đã lan tỏa nét đẹp “lá lành đùm lá rách”, đạo nghĩa của cha ông đã truyền lại “thương người như thể thương thân”… Chúng ta ngày càng thấy rõ, đối diện với thiên tai, với bất kỳ trắc trở nào của cuộc sống, không ai bị bỏ lại phía sau.
Bão, lũ tàn khốc còn cướp đi nhiều mạng sống, trong đó có nhiều trẻ em ở làng Nủ và các nơi khác, nhiều em chỉ phút chốc trở thành mồ côi, có em mất cả bố lẫn mẹ, cả ông lẫn bà. Như em như Hoàng Ngọc Lan, 6 tuổi, ở làng Nủ, bố mẹ và 2 anh trai bị lũ cuốn. Gia đình có 5 người giờ chỉ còn bé trên cõi đời. Hay em Nguyễn Văn Hành, lớp 12, Trường THPT số 1 Bảo Yên, Yên Bái cũng bỗng trở thành trẻ mồ côi sau lũ dữ. Hay như cả hai vợ chồng cô giáo Tống Ngọc Quý ở Nguyên Bình, Cao Bằng đều không may qua đời, để lại con gái mới học lớp 2 bơ vơ…
Hội LHPN Thường Tín cùng MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trao tiền và nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân bị thiệt hại bởi bão số 3 tại Lào Cai.
Lúc này, từng bàn tay của những người xa lạ nhưng lại bọc trong cái chung của tình đồng bào được dang ra. Một trong những cánh tay đó là thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội). Thầy đã quyết định nhận nuôi tất cả những đứa trẻ may mắn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng ở làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) bằng cách cấp tiền 3 triệu đồng/bé/tháng cho đến năm các cháu đủ 18 tuổi. Hàng tháng số tiền sẽ được chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu của các bé. Tấm lòng của thầy Khang đã đem lại sự ấm áp cho cả cộng đồng.
Những miếng ăn khi đói hỗ trợ cho đồng bào vùng bão, lũ khi bị chia cắt, tài sản mất hết rất cần thiết, nhưng cần thiết hơn nữa là tái sinh cuộc sống của họ, là bao bọc, chở che tiếp sức cho con đường phía trước của các em nhỏ không còn người thân bên cạnh.
PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, Nhà trường nhận đỡ đầu em Thào Thị Nhè (học sinh lớp 11A4 Trường THPT số 2 Bát Xát, huyện Bát Xát, Lào Cai) đến hết cấp 3. Không những thế, trường sẽ tạo điều kiện xét tuyển và có chính sách phù hợp để em tiếp tục được học đại học sau khi tốt nghiệp PTTH. Chúng ta còn rất nhiều những tấm lòng như thế. Nhiều người Hà Nội đã đứng ra nhận đỡ đầu các em. Họ thậm chí sẵn sàng đưa các em về ở cùng nhà để chăm sóc, nhưng người thân các em vẫn muốn được tự chăm lo cho các em. Ở bất kỳ trường hợp nào, sự đùm bọc của người thân vẫn luôn là chỗ dựa gần gũi nhất cho các em.
Câu chuyện của thầy Khang, thầy Châu, của những tấm lòng cũng làm chúng ta nhớ lại thời điểm đại dịch Covid-19. Trước nỗi đau hàng ngàn đứa trẻ trở thành mồ côi do đại dịch cướp đi cha mẹ, người thân, doanh nhân Trương Gia Bình đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một ngôi trường dành cho các em nhỏ mồ côi với mong muốn tạo ra một môi trường để các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước trong tương lai. Đến nay, hơn 300 trẻ em đã được thụ hưởng ý tưởng từ ngôi trường này.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN Hà Nội cũng là một minh chứng cụ thể cho “những cái nắm tay trên đường dài” ấy, khi Chương trình hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em mồ côi trên địa bàn thành phố. Khởi xướng từ năm 2021, tính đến năm 2023, toàn thành phố Hà Nội có hơn 5.000 trẻ em mồ côi, trong đó có 16 trẻ em mồ côi do Covid-19, các cấp Hội đã đăng ký giúp đỡ 2.269/2.637 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, kết nối doanh nghiệp, đơn vị, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu 1.277 trẻ em mồ côi, trong đó, Hội Phụ nữ trực tiếp nhận đỡ đầu 817 trẻ, kết nối Mẹ đỡ đầu nhận đỡ đầu 460 trẻ. Những đứa trẻ mồ côi ấy không chỉ được hỗ trợ một phần kinh tế, mà quan trọng hơn, các em có thêm người thân, có những người mẹ để sưởi ấm trái tim, nuôi dưỡng hy vọng vào tương lai ấm áp, tốt đẹp của các em phía trước.
Trong báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu của Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (năm 2015) đã chỉ ra: Theo ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam phải chịu từ 6 đến 7 cơn bão.
Hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, và nhiều thiên tai khác đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nhiều hơn về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế đất nước.
Nói như thế để thấy, thiên tai vẫn luôn thường trực với đất nước hình chữ S. Chúng ta không thể ngăn trở, khước từ nó đến, chúng ta chỉ có thể ứng phó, làm hạn chế sức tàn phá của nó đến với con người và mọi thứ xung quanh. Có một điều thực tế mà người Việt cũng ta đã làm và đang làm, là mỗi khi đồng bào của chúng ta dù ở miền Bắc hay miền Nam, dù ở miền núi hay dưới xuôi gặp hiểm hoạ thiên tai và dịch hoạ, chúng ta vẫn phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, mà những cánh tay nối dài của các mạnh thường quân dìu dắt những bước chân non nớt của những cháu bé mồ côi bố mẹ, hỗ trợ những gia đình mất mát trong thiên tai là minh chứng hùng hồn, làm vang lên hai tiếng đồng bào đầy tự hào.
Và Hà Nội, cũng tự hào là nơi có những hành động nghĩa tình, của những con người nghĩa tình. Mỗi người, như một mảnh ghép, đang làm nên một thành phố hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.