Một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất, có nhiều du khách tham quan nhất khi tới Hà Nội chính là Hồ Gươm. Mới đây, Hà Nội đã quyết định nghiên cứu quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết một số khu vực xung quanh Hồ Gươm theo hướng tăng cường không gian mở, phục vụ cộng đồng… Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp phát huy giá trị cảnh quan trên nền di sản, từ đó thúc đẩy du lịch.
Không gian văn hóa đặc trưng của Thủ đô
Hà Nội tán thành chủ trương, phương án ý tưởng, giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục làm cơ sở nghiên cứu dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết. Theo đó, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là khu vực có giá trị lịch sử văn hóa cao, kết nối giữa 2 khu vực quan trọng Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Hồ Gươm (phía Bắc) với khu vực Di tích Quốc gia khu phố cổ (phía Nam); được thực hiện đồng thời với việc triển khai nghiên cứu, đầu tư xây dựng các không gian công cộng khác xung quanh hồ theo chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.
Đáng chú ý, Thành phố tán thành phương án đề xuất phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập”, đề xuất không gian ngầm tại khu vực quảng trường hiện có và không gian mở rộng (sau khi phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập”); Nghiên cứu khoảng 3 tầng hầm, đề xuất cụ thể chức năng sử dụng tầng hầm (nên bố trí không gian văn hóa, thương mại tại tầng hầm 1, khu vực đỗ xe tại tầng hầm 2, 3); trường hợp không bố trí đỗ xe, có thể sử dụng thành không gian lưỡng dụng…
Đánh giá cao quyết tâm mở rộng không gian văn hóa đặc trưng của Thủ đô, bạn Trần Anh Tú, (24 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ, Hồ Gươm là điểm đến không thể thiếu của cả người dân Hà Nội và du khách, nếu nhìn nhận một cách công bằng thì không gian này đang rất chật chội, một phần nào đó là thiếu trật tự. Bởi vậy, việc Hà Nội mở thêm những không gian công cộng rộng hơn, thoáng đãng hơn chắc chắn sẽ tô đẹp hơn cho khu vực mang đậm chất văn hóa này.
Hồ Gươm - trái tim của Hà Nội.
Xét toàn diện, trong tổng thể không gian, khu vực xung quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận chính là nơi gặp gỡ và chuyển tiếp giữa các cấu trúc đô thị làm nên hạt nhân của trung tâm lịch sử Hà Nội ngày nay. Đó là Khu phố cổ, Khu phố Pháp và Trung tâm chính trị Ba Đình. Đồng thời, đây là chứng tích rõ rệt của thời kỳ Thăng Long – Hà Nội chuyển đổi mô hình từ thành thị phong kiến phương Đông sang đô thị hiện đại kiểu phương Tây những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Ông Đặng Thanh Sơn (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) chia sẻ, bản thân ông từng có một thời gian dài sống gần khuôn viên Hồ Gươm. Mãi đến năm 2022 gia đình ông mới chuyển về khu vực Linh Đàm. Qua những biến thiên của thời gian, ông Sơn nhận thấy, Hồ Gươm là một quần thể di tích với giá trị cảnh quan đáng trân trọng. Nếu có thể, ngoài việc bảo tồn nguyên vẹn thì ông cũng như nhiều người dân Thủ đô mong muốn khu vực này có thể mở rộng hơn.
“Vào mỗi buổi chiều, cảnh quan Hồ Gươm luôn mang màu sắc diễm lệ. Bằng chứng là có rất nhiều người dân chạy và đi bộ quanh hồ để tìm sự yên tĩnh, hít thở không khí trong lành và cảm nhận được cái đẹp của hồ. Chúng ta có thể thấy rằng, sự ngự trị tinh thần của Hồ Gươm vẫn không ngừng được khắc sâu vào lịch sử trong thành phố này. Nó vừa có ý nghĩa vật chất, vừa có ý nghĩa tinh thần, không ngừng tạo nguồn cảm hứng dồi dào và phát triển. Không chỉ là một trong những điểm tựa tinh thần hiếm hoi của người dân Thành phố, Hồ Gươm còn là nơi mà người ta vừa sống một cuộc sống hiện đại, vừa có thể nhìn về quá khứ và hướng tới tương lai…” - ông Đặng Thanh Sơn bày tỏ.
Nhân rộng không gian xanh Thủ đô
Thực tế, cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số khiến Hà Nội phải đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nhiều khu nhà mới; phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục… Tuy nhiên, không gian công cộng lại đang dần bị thu hẹp, nhiều khu đô thị mới mọc lên trong khi diện tích đất dành cho mục đích công cộng không được chú trọng, thậm chí nhiều nơi bị lấn chiếm, nhiều dự án bị hoang hóa khiến cuộc sống đô thị vốn ngột ngạt càng trở nên ngột ngạt hơn.
Theo một khảo sát của Tổ chức thành phố sống tốt (Healthbridge) Việt Nam, cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội hiện đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt trong khu vực nội thành; đất được dùng làm không gian công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất, trong khi theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang đặt mục tiêu, chỉ tiêu bình quân cho khu vực trung tâm là 3,02m2/người.
Không khó để thấy, tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, với sự gia tăng áp lực dân số, các sự kiện lớn thường xuyên được tổ chức ở đây khiến lượng người dân đổ về trở nên quá tải, diện tích thì không thay đổi dẫn đến việc người dân ken cứng mỗi khi có các sự kiện lớn diễn ra…
Hà Nội đã quyết định cải tạo, chỉnh trang tái thiết một số khu vực xung quanh Hồ Gươm.
Trở lại câu chuyện Hà Nội quyết định nghiên cứu quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết một số khu vực xung quanh hồ theo hướng tăng cường không gian mở, phục vụ cộng đồng… Đánh giá cao chủ trương mở rộng không gian công cộng ở hồ Hoàn Kiếm mà UBND thành phố Hà Nội vừa đưa ra, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), chia sẻ, giới kiến trúc sư luôn cho rằng xung quanh Hồ Gươm không nên xây dựng thêm bất cứ công trình nào, mà chỉ nên bớt đi. Tất cả các công trình tiện ích xã hội, kết nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật có thể ngầm hoá dưới mặt đất. Và điều này đang được chính quyền thành phố Hà Nội hiện thực hóa.
Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, tòa nhà “Hàm cá mập” ở số 7 phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, được xây từ đầu năm 1990, hoàn thành vào năm 1993. Quá trình xây dựng, tòa nhà này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia quy hoạch đô thị, cũng như người dân. Về việc thành phố Hà Nội quyết định phá bỏ tòa nhà, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng đây là nguyện vọng của nhiều thế hệ người Hà Nội và giới kiến trúc sư. Hơn hết, việc làm này góp phần tạo dựng không gian công cộng đem lại lợi ích cho người dân hôm nay và mai sau.
Rõ ràng, việc Hà Nội nỗ lực tìm hướng phát huy giá trị cảnh quan trên nền di sản là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại. Việc làm này của Hà Nội cũng trực tiếp mở rộng không gian xanh, không gian công cộng cho người dân Thủ đô. Khi không gian Hồ Gươm được mở rộng, nơi đây sẽ thực sự là không gian văn hóa, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đúng nghĩa, qua đó góp phần khai thác tốt lợi thế từ di sản cha ông để lại.
Hà Nội luôn chú trọng tới việc chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị theo hướng ngày càng xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh và hiện đại. Không khó để thấy, Hà Nội đã xây dựng, cải tạo nhiều dự án xây dựng công viên, hồ nước lớn, như: Công viên Hòa Bình, công viên - hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, công viên hồ điều hòa Nhân Chính, công viên và hồ điều hòa khu phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch... tạo khoảng đệm, không gian xanh mát và là “máy điều hòa không khí” tự nhiên cho khu vực, góp phần cải thiện không gian sống, chất lượng sống cho người dân thủ đô. Bên cạnh đó, Thành phố còn phối hợp với các đơn vị viễn thông, điện lực thực hiện hạ ngầm đường dây điện, cáp viễn thông đi nổi. Hàng loạt “mạng nhện” gây mất mỹ quan đô thị trên nhiều tuyến phố dần được xóa bỏ. Các tuyến phố sau khi được “xóa rác trời”, chỉnh trang hè phố, kết hợp trồng thêm cây xanh... đã mang đến bộ mặt đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.