Từ vụ sử dụng xyanua đầu độc nhiều mạng người ở Đồng Nai đã cho chúng ta thấy một lỗ hổng nguy hiểm, đó là việc mua bán các loại chất độc, trong đó có xyanua hiện đang rất dễ dàng, nhanh chóng.
Liên quan đến cái chết của 5 người trong gia đình xảy ra ở Nhơn Trạch, Đồng Nai vừa qua, Công an đã khởi tố vụ án. Nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986, ngụ huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bị khởi tố về tội Giết người. Bích đã thừa nhận dùng xyanua đầu độc khiến 3 người tử vong, gồm: Chồng và 2 cháu. Công an tỉnh Đồng Nai đang làm rõ 2 trường hợp tử vong còn lại là cha ruột và con trai Bích.
Ngoài điều tra, xử lý Nguyễn Thị Hồng Bích, cần làm rõ thêm nguồn cung cấp xyanua cho bị can. Luật pháp quy định, việc vi phạm trong mua bán kinh doanh hóa chất không những bị phạt hành chính mà tùy trường hợp có thể bị xử lý hình sự.
Xyanua được xếp vào loại chất cực độc có thể gây chết người dù ở một lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, dạo quanh một vòng trên các trang mạng, khi truy cập vào một số hội nhóm trên mạng xã hội, không khó gì để nhận thấy hàng chục bài viết rao bán, hỏi mua xyanua. Trong đó, một tài khoản Facebook có tên Lãng Yên thường đăng tải bài viết rao bán chất Xyanua có giá bán lẻ 500.000 đồng/kg với nội dung “giao dịch nhanh chóng, giao hàng tận nơi…”.
Tại đây, người bán chỉ yêu cầu khách hàng nhắn tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại qua Zalo, còn không yêu cầu người mua phải có bất kì giấy tờ, cấp phép nào hết. Để tăng độ tin cậy, người này cam kết sau khi chuyển khoản thanh toán thành công, khách hàng sẽ nhận được “hàng” trong 1, 2 ngày tùy từng khu vực.
Hay như website V đang chào bán Potassium cyanide - kali xyanua của Đức dạng bột với giá từ 969.000 - 1,192 triệu đồng/kg, có số hotline để khách hàng liên lạc.
Ảnh minh họa
Theo website này, kali xyanua chủ yếu được dùng trong xi mạ vàng, bạc và một số hợp kim, là hóa chất tinh khiết được sử dụng trong phòng lab của các viện nghiên cứu, nhà máy, trường học... Kali xyanua là một chất độc được xếp vào hàng đầu trên thế giới với khả năng gây chết người ở liều lượng rất thấp. Một người khỏe mạnh sẽ mất ý thức trong vòng từ 30 giây đến 2 phút sau khi ăn phải 200 - 250mg chất này và sẽ tử vong sau 3 giờ.
Có thể thấy rằng, nguyên do dẫn đến tình trạng hóa chất được buôn bán tràn lan hiện nay một phần là do công tác kiểm soát hoạt động mua bán hóa chất trên thực tế chưa đủ chặt chẽ. Một số tiểu thương dễ dàng che giấu hành vi mua bán bằng cách lưu hàng ở kho, chỉ đem bán khi có người đặt trước hoặc dẫn khách đến tận kho để giao hàng, khiến cho việc thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động buôn bán tại các khu vực này gặp nhiều trở ngại. Còn trên không gian mạng, người mua chỉ cần bấm nút đặt hàng là sẽ có người đến giao tận nơi. Các tài khoản đăng tải mua bán thường là tài khoản phụ nên cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong việc xác minh và xử lý các đối tượng này.
Theo Luật Hoá chất 2007 và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định: “Việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát”. Tuy nhiên lại không có quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua, sử dụng chất xyanua. Đồng thời, cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán. Điều này đã dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường.
Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng này, pháp luật cần quy định rõ việc mua bán chất xyanua cần có điều kiện, người mua phải đáp ứng các điều kiện cụ thể mới được phép mua, sử dụng hóa chất trên. Cơ quan có thẩm quyền cũng cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh xyanua, có biện pháp xử lý với các đơn vị không tuân thủ quy định. Đặc biệt, cần kiểm tra rà soát các hoạt động buôn bán tự phát chất cấm trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử hoặc các kênh mua bán không chính thống.