Khám phá vùng đất Pu và Chải sinh sống: Nơi check-in của hàng nghìn du khách, chơi gì và ăn ở đâu?

Tấn Phước
Chia sẻ

Hình ảnh tỉnh Cao Bằng tuyệt đẹp trong bộ phim truyền hình HOT nhất lúc này làm khán giả mê mẩn, muốn lập tức đặt chân đến. Cùng khám phá một số điểm vui chơi, đặc sản của vùng đất này, hứa hẹn sẽ làm du khách thích thú, quên lối về!

Ở thời điểm hiện tại, Đi giữa trời rực rỡ là phim Việt được chú ý bậc nhất và có độ thảo luận cực cao trên các nền tảng mạng xã hội. Không chỉ gây ấn tượng bởi câu chuyện tình của cặp đôi Pu và Chải mà bộ phim này còn khắc hoạ vẻ đẹp thiên nhiên đất nước cùng nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. 

Một trong những bối cảnh của Đi giữa trời rực rỡ hớp hồn cư dân mạng là những ngọn núi trùng điệp, cảnh non nước thơ mộng hữu tình ở vùng đất Cao Bằng. Để “cheap moment" cùng Pu và Chải, hãy khám phá những điểm du lịch độc đáo cùng các món ăn đặc sản không thể bỏ qua của vùng đất được mệnh danh là "cái nôi của cách mạng Việt Nam" nhé! 

Đến Cao Bằng, chơi ở đâu? 

Đồi cỏ Phan Thanh

Cách trung tâm Cao Bằng khoảng 2 tiếng di chuyển, đồi cỏ Phan Thanh nằm ở độ cao trên 1000 m so với mực nước biển, tạo nên một khung cảnh hùng vĩ với thảm cỏ xanh mướt trải dài bất tận. 

Vào những ngày nắng đẹp, đồi cỏ Phan Thanh trở nên lộng lẫy với màu xanh tươi sáng, bầu trời trong vắt và những đám mây trắng lững lờ trôi, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy mê hoặc. Nơi đây có nhiều đồi cỏ lớn nhỏ xanh mướt nối tiếp nhau, mang lại cảm giác thoải mái, thích hợp cho những chuyến đi chữa lành, tìm kiếm sự bình yên.

Khám phá vùng đất Pu và Chải sinh sống: Nơi check-in của hàng nghìn du khách, chơi gì và ăn ở đâu? - 1

 Đối với những người yêu thích du lịch phượt hay khám phá thiên nhiên, đây là một địa điểm lý tưởng để cắm trại, chụp ảnh và tận hưởng không khí trong lành của vùng cao.

Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thác Bản Giốc được mệnh danh là một trong bốn thác nước đẹp và hùng vĩ nhất của khu vực Đông Nam Á.

Thác Bản Giốc gồm có hai phần, phần chính nằm giữa biên giới Việt - Trung, được phân chia ranh giới bởi dòng sông Quây Sơn chảy phía dưới và phần còn lại nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam. Phần thác chính rộng khoảng 100 m, cao 70 m và sâu 60 m. Nhìn từ xa, dòng nước tuôn chảy tung bọt trắng xóa, cuồn cuộn giữa sắc xanh núi rừng tạo nên nét đẹp hùng vĩ, thơ mộng.

Khám phá vùng đất Pu và Chải sinh sống: Nơi check-in của hàng nghìn du khách, chơi gì và ăn ở đâu? - 2

Thời gian lý tưởng nhất để khám phá thác Bản Giốc là khoảng tháng 9, tháng 10 lúc hoa dã quỳ nở rộ. Nếu may mắn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cầu vồng tuyệt đẹp do ánh nắng chiếu vào những giọt nước li ti trên mặt thác.

Khu di tích Pác Bó

Nếu là người đam mê với lịch sử nước nhà thì không thể bỏ qua khu di tích Pác Bó ở huyện Hà Quảng, cách trung tâm TP.Cao Bằng khoảng 50 km. Nơi đây gắn liền với những cột mốc lịch sử hào hùng của dân tộc. 

Khung cảnh tại khu di tích Pác Bó rất yên bình. Giữa bốn bề là núi rừng, mây trời, hang động và suối nước róc rách, du khách có thể cảm nhận được rõ sự sống mãnh liệt vẫn luôn hiện hữu nơi đây.

Con suối Lê Nin nước lúc nào cũng trong xanh, ngày ngày xuôi dòng qua biết bao ghềnh đá. Khi đến đây, du khách có thể cảm nhận được sự thanh bình và tĩnh lặng của một vùng đất đã chứng kiến những bước đi đầu tiên của cuộc kháng chiến giành độc lập.

Nổi bật trong khu di tích là hang Cốc Bó - nơi Bác Hồ từng sinh sống và làm việc. Hang động nhỏ bé nhưng lại mang trong mình một không gian linh thiêng, gợi nhớ về hình ảnh vị lãnh tụ giản dị, kiên cường.

Khám phá vùng đất Pu và Chải sinh sống: Nơi check-in của hàng nghìn du khách, chơi gì và ăn ở đâu? - 3

Pác Bó không chỉ là nơi để tìm hiểu về lịch sử mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên và muốn hòa mình vào khung cảnh núi rừng hoang sơ, thanh bình. 

Rừng Trần Hưng Đạo

Khu rừng nguyên sinh Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, Cao Bằng được công nhận là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt và là một trong những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn giữ lại được vẻ tự nhiên, hoang sơ. Nhiệt độ trung bình ở khu rừng này rơi vào khoảng 15-20 độ C nên du khách khi đến đây sẽ cảm giác mát mẻ, không khí trong lành dễ chịu. 

Rừng nguyên sinh Trần Hưng Đạo nổi bật với hệ sinh thái đa dạng, bao gồm nhiều loại thực vật quý hiếm và động vật hoang dã. Cây cối trong rừng chủ yếu là những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, với những tán lá rộng lớn tạo nên một tấm thảm xanh ngút ngàn. Dưới những tán cây, hệ động vật phong phú với nhiều loài chim, thú quý hiếm như voọc, gấu và các loài chim đặc hữu của vùng Đông Bắc cùng sinh sống.

Khám phá vùng đất Pu và Chải sinh sống: Nơi check-in của hàng nghìn du khách, chơi gì và ăn ở đâu? - 4

Điều đặc biệt ở rừng Trần Hưng Đạo không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là giá trị lịch sử của nó. Đây chính là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Du khách vừa trải nghiệm cảm giác khám phá rừng nguyên sinh, vừa được tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc. 

Ăn gì ở Cao Bằng? 

Vịt quay 7 vị

Vịt quay 7 vị - món ăn không thể bỏ qua khi đến Cao Bằng với cách chế biến công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến tẩm ướp gia vị. Sở dĩ, món vịt quay này có tên gọi như thế là vì người dân nơi đây sử dụng tới 7 loại gia vị khác nhau: gừng, tỏi, hành khô, hạt tiêu, mật ong, đậu hũ và quả mắc mật để tạo nên vị thơm đặc trưng, đậm đà khó cưỡng.

Khám phá vùng đất Pu và Chải sinh sống: Nơi check-in của hàng nghìn du khách, chơi gì và ăn ở đâu? - 5

Vịt quay 7 vị là món đặc trưng của người Tày thường phục vụ trong dịp lễ quan trọng. Tuy nhiên, ngày nay món ăn này đã được phổ biến và kinh doanh ở nhiều nơi tại Cao Bằng.

Gia vị trước khi ướp phải được xào qua để dậy mùi hương. Sau đó, người chế biến sẽ cho gia vị vào phần bụng của vịt để thấm thật sâu từng lớp thịt rồi khâu bụng lại. Tiếp đó, họ sẽ rưới mật ong và quét dấm trên lớp da để khi nướng vịt có màu da óng ánh, có màu vàng bắt mắt. Cuối cùng, đưa lên than hồng nướng sao cho không bị ám mùi khói.

Vịt sau khi quay có da óng màu mật, vàng cánh gián. Thực khách khi thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà trong từng miếng vịt. Từng sớ thịt mềm, mọng nước khi chấm cùng nước sốt càng làm độ ngon của món ăn tăng lên gấp bội.

Chè Lam

Nhắc tới đặc sản Cao Bằng, người ta thường nhớ ngay tới món chè lam. Đây là món ăn nổi tiếng được rất nhiều người yêu thích khi tới đây du lịch, làm từ những nguyên liệu chính như bột nếp, mật mía, gừng và lạc (đậu phộng). Bánh chè lam Cao Bằng có sự khác biệt nhờ vào cách chế biến và sự kết hợp tinh tế của các nguyên liệu đặc sản địa phương.

Nhiều người thường lựa chọn bánh chè lam Cao Bằng để mua về làm quà cho bạn bè, người thân vì có hương vị rất riêng, đặc trưng của vùng núi cao.

Khám phá vùng đất Pu và Chải sinh sống: Nơi check-in của hàng nghìn du khách, chơi gì và ăn ở đâu? - 6

Món bánh truyền thống lâu đời này thường được thưởng thức cùng với trà xanh, sẽ đánh thức vị giác của thực khách.

Hạt dẻ Trùng Khánh

Một món ăn chơi, vừa ngon, vừa có thể mua về làm quà tặng cho bạn bè, người thân khi du lịch đến Cao Bằng là hạt dẻ Trùng Khánh. Được trồng trên những triền núi đá vôi của vùng Đông Bắc, hạt dẻ Trùng Khánh khác biệt so với hạt dẻ ở các địa phương khác, có vỏ ngoài cứng nhưng dễ bóc, hạt to đều, gấp 5-6 lần hạt dẻ rừng. Vỏ dẻ màu nâu sẫm, lớp lông tơ màu trắng nhạt, trong có vỏ lụa mỏng, nhân màu vàng, khi ăn có vị thơm ngon và bùi ngậy.

Khám phá vùng đất Pu và Chải sinh sống: Nơi check-in của hàng nghìn du khách, chơi gì và ăn ở đâu? - 7

Hạt dẻ Trùng Khánh không chỉ là một món ăn vặt phổ biến mà còn là món quà quý giá từ vùng cao Cao Bằng, thường được người dân địa phương gửi tặng bạn bè, người thân trong những dịp đặc biệt.

Chia sẻ

Tấn Phước

Tin cùng chuyên mục