Bi hài chuyện con gái cưng xuất giá

Nguyễn Huyền
Chia sẻ

Bố mẹ nào khi sinh con ra cũng mong con mình được chăm sóc và có điều kiện sống đủ đầy, nhất là những gia đình có con một. Chính tình yêu thương có phần thái quá ấy đã khiến những bậc làm cha mẹ không nghĩ được rằng thời gian của những cô con gái cưng của mình ở nhà với bố mẹ chỉ chiếm một phần đầu của cuộc đời. Phần sau, con gái họ sẽ phải gắn với gia đình riêng, nơi mà các cô chiêu sẽ phải làm chủ cuộc sống, xác lập những giá trị hạnh phúc của mình.

Từ chuyện con lấy chồng, mẹ làm dâu

Được mỗi đứa con gái độc nhất, gia đình lại giàu có, ông bà Huệ (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tính sau này sẽ kén rể về sống cùng một nhà thay vì để con gái xuất giá làm dâu nhà người. Sở dĩ họ có mong muốn như vậy là vì chẳng muốn sống xa con gái cưng, thứ nữa con mình vụng về, chẳng biết một chút gì về tề gia nội trợ thì sang nhà người ta làm dâu sao được. Ấy thế mà khi con gái đến tuổi lấy chồng thì ý định của ông bà tan tành. Trước lúc nói đến chuyện cưới xin, bà Huệ bày tỏ ý định xin cho con rể về sống cùng cho vui cửa vui nhà, nếu không thì ông bà sẽ mua nhà riêng cho hai vợ chồng sống. Nhưng bên gia đình thông gia vốn là gia đình giữ nếp nhà truyền thống, họ viện lý do cũng chỉ có mỗi đứa con trai duy nhất nên không muốn cho con trai đi ở rể hay ra ngoài sống riêng. Nhất định cưới xong, hai vợ chồng sẽ phải sống cùng với bố mẹ đến khi ông bà khuất núi.

Thấy người ta nói cứng như thế, lại nhìn vào nền nếp gia phong thế kia, bà Huệ biết chắc chắn con gái mình không thể nào phù hợp với cuộc sống đó. Bà hết lời khuyên giải con gái nên từ bỏ mối tình đó, kiếm một người khác. Nhưng khổ nỗi, con gái bà trước sau bảo chỉ yêu và lấy đúng anh chàng đó thôi, nếu bà không đồng ý cô sẽ... “chết”.

Từ nhỏ, ý con gái là ý trời, ông bà Huệ đành phải chiều theo. Trước ngày cho con gái xuất giá, bà không ít lần sang làm công tác tư tưởng cho ông bà thông gia và con rể. Bà không ngần ngại kể những nhược điểm của cô con gái cưng và mong gia đình "hãy khoan dung độ lượng cho cháu".

Bi hài chuyện con gái cưng xuất giá - 1

Ảnh minh họa

Đúng như dự đoán của bà Huệ, tính tiểu thư sống chỉ biết mình, quen được người khác chăm lo chứ chưa hề phải quan tâm đến người khác của cô con gái đã bộc lộ ngay từ ngày đầu bước chân về nhà chồng. Không chịu được sự "dạy dỗ" nghiêm khắc của bố mẹ chồng, con gái bà nhiều lần khăn gói bỏ về nhà mẹ. Thế là hết lần này đến lần khác, bà Huệ phải sang nhà thông gia xin lỗi hộ con.

Chuyện bếp núc chợ búa của cô con gái cũng không ít lần khiến bà Huệ điêu đứng. Lần nào mẹ chồng sai đi chợ là y như rằng bà phải bí mật đón con ở một chỗ nào đó rồi mua hộ các thứ, sau đấy lại phải ngọt nhạt với xui gia chuyện con gái không biết nấu ăn, mong ông bà "nấu hộ" cho cháu.

Khổ nỗi ông bà thông gia cũng chẳng vừa, họ cũng nói thẳng với bà Huệ rằng cưới dâu về để lo lắng quán xuyến việc gia đình sau này chứ không phải cưới con dâu về làm cảnh. Con dại cái mang, bà Huệ nhiều phen muối mặt vì chuyện con gái đi lấy chồng mà mẹ lại phải theo chân làm dâu.

Đến những cuộc chiến của các ông bà thông gia

Dù đã cho con gái xuất giá nhưng một số bậc cha mẹ vẫn không chấp nhận được việc "nhập gia tùy tục" trong cuộc đời làm dâu của con cái mình. Đã không ít cuộc chiến diễn ra căng thẳng giữa thông gia với nhau chỉ vì nghe con gái về nhà kể tội nhà chồng.

 Bước chân về nhà chồng làm dâu đến tuần thứ hai thì Nguyệt (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) nước mắt ngắn dài bỏ về nhà mẹ đẻ. Nghe cô con gái cưng kể lể chuyện bắt bẻ của bố mẹ chồng về việc cơm nước hàng ngày, ông bà Thắng giận đùng đùng. Con gái ông bà ở nhà có giúp việc cơm bưng nước rót đến tận bàn, nay phải nấu nướng cho người khác ăn đã là quá lắm rồi lại còn bị bắt bẻ này nọ. Ông bà cũng đã nói trước cái sự vụng về cũng như những việc từ trước đến nay con gái mình không phải làm cho họ biết. Thậm chí khi cưới hỏi xong, ông bà đã ngỏ ý muốn thông gia thuê người giúp việc để đỡ đần con dâu. Nếu kinh tế có có khăn, ông bà sẵn sàng hỗ trợ. Bấy giờ thông gia ngọt nhạt bảo không cần làm thế, công việc nhà cũng chẳng có gì, hai ông bà về hưu rồi lấy việc làm cho vui chứ cũng không bắt con dâu vất vả.

Bi hài chuyện con gái cưng xuất giá - 2

Ảnh minh họa

Thế mà giờ họ lại sinh sự, bắt bẻ con gái mình phải thế này thế nọ. Càng nghe con gái kể, ông Thắng càng nổi cơn tam bành cứ như thể mình đang bị ức hiếp. Một mặt ông bảo con gái cứ ở lại nhà, "bao giờ ông bà bên đó hoặc chồng mày đến đón thì mới về". Mặt khác, ông tức tốc sang "bắt bẻ" thông gia. Thế là từ chuyện "chúng tôi dạy bảo con dâu của mình là điều nên làm và cũng là quyền của chúng tôi, ông bà đã không biết dạy con còn giờ lại làm lớn chuyện" lại trở thành chuyện "con gái tôi không phải là giẻ rách để ông bà thích làm gì thì làm". Kết quả đôi co mãi, anh con rể cũng phải đón vợ về, nhưng mỗi lần trở về cô con dâu lại trở thành cái gai trong mắt bố mẹ chồng. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ cũng vì thế mà “sớm nắng chiều mưa” theo.

Tương tự, bà Bình (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho rằng con gái mình đẹp người, công việc tốt kiếm ra tiền nhiều thế khi về nhà chồng thì sẽ được trọng vọng. Thế nhưng chính cái tính tiểu thư cộng với thói hách dịch do sự cưng chiều của bố mẹ từ nhỏ đã khiến cho Như không được lòng nhà chồng. Bố mẹ chồng cô vốn là hai nhà giáo đã về hưu, cuộc sống từ xưa vẫn đạm bạc, nho nhã. Từ ngày Như về, cô cậy mình làm ra tiền mua sắm, thay đổi đồ đạc trong nhà theo ý mình mà không một lời hỏi qua ý kiến bố mẹ chồng. Nghĩ đến hạnh phúc của con trai, lại cho rằng con dâu cũng có ý tốt sắm sửa trong gia đình nên ông bà bỏ qua kiểu ứng xử "bề trên" coi trọng đồng tiền hơn tình cảm của Như.

Một lần, Như mua về cái giá sách mới rồi vứt cái giá sách cũ gắn bó với bao kỷ niệm của ông bà suốt cuộc đời nhà giáo đã khiến cho bố mẹ chồng cô nổi giận, mắng tơi bời. Như bỏ về nhà bố mẹ đẻ, kể lể mọi chuyện. Thế là chiều hôm đó, bà Bình đùng đùng sang khẩu chiến với thông gia. Kết quả, hạnh phúc của Như có nguy cơ đổ vỡ vì từ ngày đó chồng cô cũng giận vợ hỗn láo không thèm sang đón về. Bố mẹ chồng cô cũng chẳng muốn có một cô con dâu như thế.

"Nhập gia tuỳ tục", tiếp thu những góp ý của nhà chồng, học hỏi những điều chưa biết... là những điều mà các cô dâu thuộc dạng cô chiêu được cưng chiều từ bé cần phải chấp nhận để có được hạnh phúc gia đình. Thế nhưng có không ít cô chiêu vẫn giữ cách sống tiểu thư đài các, hách dịch khi làm vợ, làm dâu, có chuyện gì là lại chạy về cầu cứu, kể lể với bố mẹ. Điều đáng nói là các bậc bố mẹ chỉ vì nghĩ cho con mình mà không cần nghĩ đến người khác, không phân biệt phải trái. Và thay vì dạy bảo, phê bình con gái mình, xin thông gia thông cảm cho những sai sót ấy thì họ lại quay sang chỉ trích, thậm chí mạt sát lại thông gia. Kết quả là tình thông gia mất mà hạnh phúc của chính con gái mình cũng chao đảo thậm chí là đổ vỡ theo.

Chia sẻ

Nguyễn Huyền

Tin cùng chuyên mục

Chạy chốn con bất hiếu

Chạy chốn con bất hiếu

“Ối làng nước ơi, thằng Mạnh nó giết tôi, cứu tôi với...”. Ông Tuấn vừa chạy thục mạng vừa la thất thanh. Cách đằng sau một quãng, con trai ông tay cầm dao, miệng gào thét "không cho ông bán, ông giết cả lũ, ông giết tất...". Không ai giám xông ra để can thiệp vì con dao bầu sắc ngọt trong tay Mạnh liên tục chém lấy chém để bất cứ ai xông vào...

Mẹ làm gì mà không trông cháu?

Mẹ làm gì mà không trông cháu?

Chị là thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ của chúng tôi. Hôm đó, sau giờ tập buổi sáng, chị nán lại ở sân tập để trò chuyện với chúng tôi thêm một lát. Bỗng nhiên, con gái chị hớt hải từ đâu chạy lại, buông lời trách mẹ...