Rối loạn nhịp tim ở phụ nữ có thai

Bs Lê Đại Phong
Chia sẻ

Rối loạn nhịp tim là tình trạng xảy ra khi tim đập không đều, có thể là quá nhanh (nhịp nhanh), quá chậm (nhịp chậm), hoặc không đều đặn. Ở phụ nữ có thai, sự thay đổi sinh lý của hệ tim mạch và nội tiết có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp.

Mặc dù phần lớn các trường hợp không nguy hiểm, một số rối loạn nhịp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây loạn nhịp tim ở phụ nữ có thai

Khi mang thai, khối lượng máu tuần hoàn của phụ nữ tăng lên khoảng 40-50% để nuôi dưỡng thai nhi, gây áp lực lên tim. Nhịp tim của phụ nữ có thai cũng tăng khoảng 10-20 nhịp mỗi phút so với bình thường, dễ gây ra rối loạn nhịp. Thay đổi hormon, đặc biệt là progesterone, cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim, gây ra nhịp tim nhanh hoặc không đều.

Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác: Thiếu máu do thai kỳ làm tăng khối lượng tuần hoàn và nhu cầu sắt của cơ thể. Tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, có thể gây căng thẳng lên tim và dẫn đến rối loạn nhịp.

Rối loạn điện giải, chẳng hạn như mất cân bằng kali hoặc magie do nôn nghén nhiều trong thai kỳ. Bệnh tim mạch tiền sử hoặc bệnh van tim, nếu có từ trước khi mang thai, có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong thai kỳ.

Rối loạn nhịp tim ở phụ nữ có thai - 1

Ảnh minh họa

Các triệu chứng của rối loạn nhịp ở phụ nữ có thai

Rối loạn nhịp tim ở phụ nữ mang thai có thể có các triệu chứng rất khác nhau, từ nhẹ và thoáng qua đến nặng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm: Hồi hộp, cảm giác tim đập nhanh, mạnh hoặc rung; chóng mặt, mệt mỏi, đôi khi có thể ngất; khó thở, đặc biệt khi gắng sức hoặc trong tư thế nằm; đau ngực, hoặc cảm giác tức ngực.

Các triệu chứng này thường có thể bị nhầm lẫn với những thay đổi bình thường trong thai kỳ, do đó việc chẩn đoán cần dựa trên các xét nghiệm cụ thể.

Điều trị rối loạn nhịp ở phụ nữ có thai

Việc điều trị rối loạn nhịp ở phụ nữ mang thai cần thận trọng để không ảnh hưởng đến thai nhi. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

Thay đổi lối sống: Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng, và tập thể dục nhẹ nhàng; chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng để duy trì cân bằng điện giải và sức khỏe tim mạch.

Điều trị xâm lấn: Trong một số trường hợp nặng như không đáp ứng với thuốc, có thể cân nhắc phương pháp đốt điện (catheter ablation) sau tam cá nguyệt đầu tiên để kiểm soát nhịp. Tuy nhiên, trong trường hợp này, can thiệp yêu cầu kỹ thuật viên kinh nghiệm, sử dụng hệ thống triệt đốt 3D, phương pháp đốt không chiếu tia (zero fluro) nhằm đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Theo dõi và chăm sóc liên tục: Các phụ nữ có bệnh lý rối loạn nhịp cần được theo dõi sát sao suốt thai kỳ và trong quá trình sinh nở để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Ngoài ra, nếu phụ nữ có thai cảm thấy hồi hộp, khó thở, đau ngực hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào về nhịp tim, họ nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra. Phụ nữ có bệnh tim từ trước khi mang thai cần thông báo cho bác sĩ sản khoa để có kế hoạch theo dõi và điều trị tốt hơn.

Rối loạn nhịp tim ở phụ nữ có thai là một vấn đề y tế cần được theo dõi và điều trị thận trọng. Việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Nếu có triệu chứng bất thường, phụ nữ mang thai cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và nhận hướng dẫn điều trị thích hợp.

Chia sẻ

Bs Lê Đại Phong

Tin cùng chuyên mục

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.

Niềng răng và lưu ý chăm sóc răng miệng

Niềng răng và lưu ý chăm sóc răng miệng

Niềng răng là biện pháp được sử dụng rộng rãi giúp điều chỉnh răng mọc không như ý muốn, mang lại một hàm răng đều đặn, hài hòa về thẩm mỹ và chức năng. Để niềng răng đạt được hiệu quả tốt nhất, khâu vệ sinh răng sau khi niềng là rất cần thiết; góp phần ngăn ngừa tình trạng viêm nha chu, viêm lợi hay sâu răng trong suốt quá trình niềng. Vậy vệ sinh răng khi niềng như thế...

Trầm cảm ở tuổi vị thành niên

Trầm cảm ở tuổi vị thành niên

Trầm cảm là vấn đề phổ biến ở tuổi vị thành niên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10-20% trẻ vị thành niên trải qua ít nhất một rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm là phổ biến nhất.