Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng chảy máu ở đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân máu.
Xuất huyết tiêu hóa chiếm khoảng 10 - 20% các trường hợp đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa. Tuy nhiên mức độ xuất huyết có thể khác nhau. Bệnh có thể là một cấp cứu đòi hỏi phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời hoặc cũng có thể là biểu hiện nhẹ cho phép trì hoãn trong chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh
Xuất huyết đường tiêu hóa trên thường có nguyên nhân sau: Viêm, loét thực quản; vỡ giãn tĩnh mạch thực quản trong hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa; hội chứng Mallory Weiss; viêm dạ dày tá tràng trong ngộ độc, stress, Schönlein Henoch, dị ứng thức ăn, thuốc, hội chứng huyết tán urê cao; loét dạ dày tá tràng; chảy máu đường mật; dị vật tiêu hoá
Đường tiêu hóa dưới (ở phía dưới góc Treizt) gồm ruột non, đại trực tràng và hậu môn. Nguyên nhân xuất huyết đường tiêu hóa dưới gồm: Căn nguyên từ ruột non (như u máu ruột non; viêm ruột hoại tử; nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do các vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập vào niêm mạc ruột; lồng ruột; viêm loét túi thừa Meckel; schönlein Henoch); căn nguyên từ đại trực tràng (viêm đại tràng chảy máu, bệnh Crohn; polyp đại, trực tràng; viêm trực tràng, đại tràng do nhiễm khuẩn; viêm ruột non hoại tử ở trẻ lớn; viêm đại tràng do dị ứng thức ăn; nứt hậu môn; chảy máu hậu môn trực tràng).
Một số triệu chứng của trẻ gợi ý các nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em như: Trẻ xuất hiện các triệu chứng nôn trớ, tiêu chảy, sốt hoặc có tiền sử tiếp xúc với người có triệu chứng tương tự gợi ý nguyên nhân nhiễm trùng; đi ngoài phân máu kèm theo nôn nhiều hoặc các biểu hiện của tắc ruột gợi ý bệnh lý do xoắn trung tràng, lồng ruột hoặc viêm ruột hoại tử đặc biệt ở trẻ sơ sinh - nôn tái diễn hoặc nôn mạnh gợi ý hội chứng Mallory-Weiss.
Ảnh minh họa
Tiền sử gia đình có người bị loét dạ dày tá tràng. Tiền sử sử dụng thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID), steroid, tetracycline, các chất ăn mòn, dị vật tiêu hóa có thể gây kích ứng niêm mạc tiêu hóa gây biểu hiện nôn máu lẫn với các chất nôn. Tiền sử vàng da kéo dài, dễ chảy máu hoặc xuất huyết, phân bạc màu gợi ý bệnh lý gan mật. Tiền sử đi ngoài phân máu tái đi tái lại với vệt máu bao dọc khuôn phân gợi ý nguyên nhân polyp. Tiền sử sử dụng kháng sinh gợi ý nguyên nhân viêm đại tràng liên quan đến sử dụng kháng sinh và Clostridium difficile...
Những biểu hiện lâm sàng?
Một số biểu hiện lâm sàng của trẻ bị xuất huyết tiêu hóa thường gặp là: Nôn ra máu (xuất hiện máu tươi hoặc máu đen trong chất nôn của bệnh nhân); đi ngoài phân máu (phân có máu nâu đen, đỏ sẫm hoặc đỏ toàn bãi; đi ngoài phân đen kèm theo nôn máu gợi ý nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên).
Ngoài ra trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện toàn thân: Thiếu máu tùy theo mức độ mất máu; khát nước, rối loạn tri giác khi mất một lượng máu lớn cấp tính; shock do giảm thể tích tuần hoàn; thay đổi nhịp tim, huyết áp, thời gian phục hồi màu da (dấu hiệu refill), thay đổi mạch, huyết áp khi thay đổi tư thế. Khi bệnh nhân nhập viện các bác sĩ sẽ kiểm tra vùng tai mũi họng tìm dấu hiệu chảy máu điểm mạch, polyp mũi, tổn thương hầu họng có các chất ăn mòn hoặc thuốc. Kiểm tra bụng tìm các sẹo mổ cũ, khối lồng hoặc các triệu chứng của bụng ngoại khoa...
Khi nào cần tới bệnh viện?
Các bậc cha mẹ và người nhà cần chú ý phát hiện một số dấu hiệu nặng sau để đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt: Trẻ xuất hiện tình trạng thiếu máu: Hoa mắt chóng mặt, da xanh, mệt mỏi. Trẻ ăn, uống kém hoặc không chịu ăn. Đau bụng thượng vị, ợ hơi, ợ chua. Vàng da vàng mắt, bụng chướng hoặc to hơn bình thường. Khát nước nhiều. Nôn máu đỏ tươi hoặc máu cục. Đi ngoài phân đen hoặc máu, mệt hơn sau mỗi lần nôn hoặc đại tiện. Trẻ ở trạng thái li bì, khó đánh thức hoặc kích thích, vật vã.
Đồng thời nếu thấy cho những biểu hiện sau đây, cũng không thể chủ quan mà cần đưa con em đi khám để xác định bệnh và điều trị: Đau bụng, nôn, ợ hơi ợ chua; vàng da vàng mắt; xuất huyết dưới da; da xanh; ăn kém.