Bi kịch hôn nhân vì chồng mê... làm giàu

Bảo Nam
Chia sẻ

Anh đưa cho chị một tập tiền dày cộp, mới cứng với vẻ mặt hãnh diện pha chút đầy quyền uy của người làm ra tiền. Chị lặng lẽ đặt tập tiền vào tủ không chút cảm xúc, bởi từ khi có nhiều tiền trong nhà, hạnh phúc của gia đình chị hình như vơi đi một nửa.

1

Tại phòng tư vấn tâm lý hôn nhân, chị Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) kể, vợ chồng chị lấy nhau chưa được hai tháng thì bố mẹ chồng cho ra ở riêng. Bấy giờ, hoàn cảnh gia đình nội, ngoại đều khó khăn nên chẳng giúp đỡ gì cho các con. Vay mượn bạn bè, người thân, anh chị cất được căn nhà cấp 4 trên mảnh đất nhỏ bố mẹ chồng chia cho. Trong căn nhà lợp bằng prôximăng, tài sản duy nhất là một chiếc bàn nhựa, một tủ vải đựng quần áo, chiếc giường đơn sơ. Không biết có phải vì xuất phát điểm khó khăn như vậy không mà khi chị mang thai đứa con đầu lòng, chồng chị quyết chí phải tìm cách làm giàu bằng được. Anh hứa với chị là không để vợ con phải sống khổ như thế này mãi. Sau đó, anh vay mượn, chung vốn làm ăn với mấy người bạn. Họ khởi nghiệp bằng buôn bán gỗ. Công việc của anh là tìm nguồn hàng rồi áp tải, vận chuyển gỗ từ Nam ra Bắc. Những chuyến hàng, nhanh thì mấy ngày được về thăm vợ con, lâu thì cả tháng. Vậy nên, công việc gia đình, sinh con, rồi nuôi con, một mình chị đảm nhiệm. Có những lúc con đau ốm, vất vả một mình, chị vẫn cố gắng khắc phục với tâm niệm một ngày nào đó chồng kiếm được tiền rồi vợ chồng sẽ được sống gần nhau, chia sẻ trở lại với mình.

Chí làm giàu của anh cũng bền nên chỉ sau ba năm, anh đã có một số vốn rồi tách ra làm chủ, kinh tế gia đình chị khấm khá lên từ đó. Trước đây, chị cứ nghĩ, có tiền rồi thì vợ chồng sẽ sắp xếp để có thời gian nhiều cho nhau hơn, phần là để chia sẻ mọi nỗi niềm trong cuộc sống với nhau, phần là để con cái cũng được bố gần gũi dạy bảo, định hướng. Ai ngờ, đam mê làm giàu của chồng chị lúc nào cũng ngùn ngụt, có tiền rồi anh muốn tiền nhiều hơn nữa. Với anh, tiền nhiều bao nhiêu cũng không đủ. Trước kia, hai vợ chồng chỉ có một ngôi nhà, bây giờ họ mua thêm được 3 căn nữa dùng để cho thuê, rồi tiền gửi tiết kiệm cũng kha khá. Với chị, vật chất như thế là đã đủ, điều quan trọng bây giờ là chất lượng cuộc sống tinh thần của gia đình phải được nâng cao. Nhưng chồng chị cho rằng cứ có tiền thì đời sống vật chất, tinh thần lúc nào cũng được nâng cao hết. Vậy nên, anh vẫn lao vào công việc bất kể thời gian. Sau mỗi chuyến đi xa về, anh say sưa nói về việc kiếm tiền mà không hề hỏi thời gian vắng anh thì vợ con sống thế nào dù chỉ là một câu quan tâm lấy lệ.

Bi kịch hôn nhân vì chồng mê... làm giàu - 1

Ảnh minh họa

Cùng chung nỗi niềm với chị Mai, chị Hiền (Cao Phong, Hòa Bình) kể, anh Khánh, chồng chị cũng có một khát vọng làm giàu khiến nhiều người phải cảm phục. Sống ở vùng đồi núi, anh là người tiên phong làm kinh tế trang trại. Sau khi thuyết phục vợ ủng hộ, anh nhận mấy hecta đất rừng rồi dựng lán ở một mình để thực hiện giấc mơ làm giàu bằng mô hình kinh tế trang trại. Anh học hỏi, vận dụng các mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng để làm giàu. Mấy năm đầu, anh sống một mình với cái trang trại heo hút, nhiều người nhìn vào không tin anh sẽ thành công và làm giàu được với đất đá, đồi núi khô cằn đó. Ấy vậy mà anh đã thành công, trang trại cho thu nhập từ cam, bưởi, gà đồi… với nguồn lợi không nhỏ. Công việc cho thu nhập ngày một lớn, anh càng thêm phần ham hố. Thời gian anh ở trang trại nhiều hơn ở nhà. Thỉnh thoảng, anh đáo về thăm vợ con trong chốc lát rồi lại vội vàng quay về trang trại luôn.

Khi đã giàu lên thật sự, chị Hiền khuyên chồng nên thuê người làm và quản lý trang trại đỡ đần cho mình để có thời gian về nhà sống vui vầy với vợ con cho gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Tuy nhiên, anh không hề thỏa mãn với kết quả đạt được mà muốn nó tiến xa hơn, tiền kiếm được cũng phải tăng hơn. Nhìn anh làm ra tiền nhưng suốt ngày cứ cặm cụi với cây trồng, dê, bò, gà ở trang trại, cuộc sống khắc khổ, hoang vắng giữa núi rừng, chị thấy không đáng chút nào. Có lần thương chồng, chị bảo hay để chị dọn vào trang trại sống cùng anh nhưng anh không đồng ý, bảo chị cứ ở nhà lo cho con cái học hành tốt là được, chuyện làm ăn cứ để một mình anh gánh vác. Cứ thế, cuộc sống của anh chỉ xoay quanh mấy hecta cây ăn quả, mấy trăm tổ ong nuôi lấy mật, đàn dê, mấy ngàn con gà…, chuyện con cái học hành, đối nội, đối ngoại trong gia đình, anh phó mặc cho vợ lo tất.

2

Một ngày, gia đình chị Mai xáo xào lên với điều kiện “điên rồ” chị đưa ra cho chồng: Đó là nếu anh tiếp tục mải mê làm giàu nữa thì chị sẽ ly hôn. Nhà chồng chị Mai bảo con dâu không biết điều, chồng làm ra tiền, vợ chỉ việc ở nhà nuôi con mà cũng ca thán, đòi hỏi. Chồng chị là người đàn ông đàng hoàng, dù sống xa vợ con nhưng chưa bao giờ có ý nghĩ bồ bịch lăng nhăng bên ngoài. Chồng như thế thì còn đòi hỏi gì nữa? Chị Mai lý giải mấy năm nay, chị đã không còn biết làm gì với tiền của anh mang về nhà. Bởi nhà cửa đã xây dựng khang trang, tiện nghi sắm đầy đủ không thiếu thứ gì. Người thân trong gia đình có khó khăn gì cũng đã giúp đỡ hết lượt. Vậy nên tiền anh kiếm về, chị chỉ biết mang ra ngân hàng gửi. Mong muốn của chị là chồng vẫn cứ làm giàu nhưng điều hành công việc làm ăn gián tiếp, không phải trực tiếp bôn ba như trước. Nhưng chồng chị nhất quyết không chịu, anh bảo có đi làm trực tiếp thì mới yên tâm và cảm nhận được cái thú vui khi kiếm được tiền như thế nào. Khổ nỗi, cuộc sống của anh dù có tiền nhưng chẳng bao giờ hưởng thụ cho giống người giàu có. Nhìn vào, anh lúc nào cũng như người làm công, tất bật, quần áo chẳng mặc tươm tất, già đi trước tuổi bao nhiêu.

Chị Mai nói, đó chỉ là một phần, sự khó khăn nhất đối với chị khi chồng cứ mải chạy theo giấc mộng kiếm tiền là một mình nuôi dạy hai đứa con sớm tiếp xúc với tiền của bố. Mỗi lần anh về nhà lại thưởng cho các con một khoản để “tiêu vặt” như một cách đền bù lại việc anh không thường xuyên ở nhà với chúng. Có tiền, hai đứa trẻ bắt đầu học đòi mua sắm đủ thứ, rồi sa vào các tệ nạn hút thuốc lá điện tử, nghiện game, thậm chí còn tụ tập đua xe… khiến học hành chểnh mảng. Chị cảnh báo điều đó với chồng thì anh đổ lỗi cho vợ có mỗi việc quản con, dạy con mà cũng làm không được.

Bi kịch hôn nhân vì chồng mê... làm giàu - 2

Ảnh minh họa

Trong tình cảm vợ chồng, là phụ nữ, chị cũng cần có người đàn ông bên cạnh để chia sẻ mọi nỗi niềm buồn vui; nhưng chồng chị bỏ quên tất cả những điều đó để mải mê kiếm tiền.

Tương tự, chị Hiền từ một người phụ nữ thương chồng thương con vun vén những gì chồng gầy dựng nên nay đã trở thành một người hoàn toàn khác sau vài lần theo đám chị em có tiền lên thành phố mua sắm, làm đẹp. Bây giờ, chị không còn muốn sống giản dị như trước mà có “đam mê” làm đẹp và tiêu tiền của chồng làm ra. Tuy là phụ nữ nông thôn lấy chồng lam lũ nhưng có tiền đầu tư làm đẹp, mua sắm ăn mặc thời trang, chị hóa thành một phụ nữ sành điệu, càng ngày càng trẻ lại. Dần dần, trong mắt chị, người chồng lúc nào cũng “bẩn bẩn” với đàn dê, đàn bò ấy không còn tương xứng với mình. Quanh chị bấy giờ, có nhiều người đàn ông phong độ lúc nào cũng chờ dịp để được chiều chuộng, phục vụ người đẹp. Cứ thế, chị Hiền phó mặc hai đứa con cho người giúp việc, sớm tối mải mê làm đẹp và sinh hoạt với nhiều hội nhóm khác nhau. Tổ ấm của họ cứ thế “lạnh dần” rồi đứng bên bờ vực đổ vỡ.

Một người đàn ông có khát vọng làm giàu chân chính là đúng đắn và nên khuyến khích họ. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôn nhân, đàn ông chỉ biết kiếm tiền thôi chưa đủ. Bởi nếu chỉ mải mê lao vào công cuộc kiếm tiền mà bỏ bê trách nhiệm làm chồng, làm cha trong gia đình thì đích đến không phải là sự thành công thật sự. Cùng với đó, cuộc sống hôn nhân không được chăm sóc từ cả hai phía cũng khiến tình cảm vợ chồng phai nhạt, hạnh phúc theo đó mà đổ vỡ.

Chia sẻ

Bảo Nam

Tin cùng chuyên mục

Ly hôn có giúp bạn hạnh phúc?

Ly hôn có giúp bạn hạnh phúc?

Rất tiếc câu trả lời là Không! Ly hôn chưa bao giờ và không bao giờ giúp bạn hạnh phúc được đâu! Không có thứ nào gọi là ly hôn hạnh phúc cả!

Sửa mình để hôn nhân hạnh phúc hơn

Sửa mình để hôn nhân hạnh phúc hơn

Sao vợ chồng sống với nhau như thể còn đến 300 năm nữa vậy? Sao chúng ta bỏ phí ngày hôm nay chỉ vì những giận dỗi của ngày hôm qua? Già đi cùng nhau chứ đừng bỏ mặc hôn nhân này già đi, cũ đi, cạn đi như thế…

Học cách buông bỏ

Học cách buông bỏ

Dù chẳng nói ra nhưng My cũng thầm hiểu lý do vì sao chị Khanh đến bây giờ vẫn lẻ bóng. Vì vậy, My đang cố gắng để giúp chị thay đổi...

Một sự nhịn, chín sự coi thường

Một sự nhịn, chín sự coi thường

Hương vội vã mang đồ ăn sáng về nhà, Ánh - cô em chồng đang ngồi bấm điện thoại trên ghế sofa, càu nhàu: “Chị đi mua món gì cao sang mỹ vị mà lâu thế. Chị nhìn xem mấy giờ, ai cũng đói lả cả rồi”.

Vì tôi là một phần của ngôi nhà

Vì tôi là một phần của ngôi nhà

Malik Edwards, một người đàn ông bình thường sống ở Australia nói: “Tôi không giúp vợ tôi nấu cơm vì tôi cũng muốn ăn và tôi cũng cần phải nấu. Tôi không giúp vợ rửa bát sau khi ăn vì tôi cũng dùng những món đó. Tôi không giúp vợ trông con vì chúng là con của tôi và tôi có trách nhiệm làm cha. Tôi không giúp vợ rửa bát, phơi hay gấp quần áo, bởi đó cũng là quần áo của tôi và các con....

Hôn nhân... bừa bộn

Hôn nhân... bừa bộn

Theo năm tháng, hôn nhân tinh tươm hôm nào bỗng trở nên bừa bộn khiến nhiều người vợ, người chồng nhìn vào hôn nhân của mình mà… chán nản.