Một sự nhịn, chín sự coi thường

HẢI NAM
Chia sẻ

Hương vội vã mang đồ ăn sáng về nhà, Ánh - cô em chồng đang ngồi bấm điện thoại trên ghế sofa, càu nhàu: “Chị đi mua món gì cao sang mỹ vị mà lâu thế. Chị nhìn xem mấy giờ, ai cũng đói lả cả rồi”.

Vừa lau mồ hôi lấm tấm trên trán, vừa dọn đồ ăn ra bàn, Hương giải thích: “Sáng nay bên giao hàng nghỉ không ship tận nơi được nên mẹ với chị phải đi chợ để mua. Rất nhiều thứ lặt vặt nên là mới lâu như thế. Bố đâu rồi em?”.

- Bố kêu muộn quá nên ra ngoài ăn sáng rồi đi đánh cờ rồi. Mà chị có về muộn thì gọi điện về để mọi người chủ động. Đây cứ im im thì ai biết lối nào”.

Vừa lúc ấy, mẹ chồng về đến nhà. Bà lên tiếng với con gái: “Mọi hôm con toàn ngủ đến 9 giờ, sao hôm nay lại dậy sớm? Con có biết mẹ với chị đi từ tờ mờ sáng đến giờ mới về không? Sáng cũng chưa ăn gì cả, vừa đói, vừa mệt. Không vào bếp dọn với chị, lại cứ ngồi đấy”.

Ánh đứng lên, không phải để giúp Hương mà đi theo mẹ vào phòng ngủ. Dù cửa đã đóng hờ nhưng Hương vẫn nghe thấy giọng Ánh lanh lảnh:

- Mẹ cứ bênh chị ấy chằm chặp như thế bảo sao ngày càng khó nói. Người gì đâu mà chậm chạp, quê mùa, không biết giao tiếp gì cả. Hôm trước bạn con qua quán ăn, nó còn nghĩ chị ấy là người làm, giúp việc cơ. Ngại thế không biết.

- Con cứ để ý đâu đâu vậy, chị con là đứa tốt tính, chịu khó, ngoan hiền. Không có cái Hương thì một mình mẹ làm sao quán xuyến được quán đó. Bán đồ ăn vặt vất vả lắm, con không làm nên cứ nghĩ đơn giản. Ngày mở quán ăn này, con bắt đầu vào lớp 10, suốt ngày lo học hành chứ có phải động tay vào rửa cái chén đâu mà biết. Không ai sướng như con đâu, nên đừng soi xét người khác nữa.

Một sự nhịn, chín sự coi thường - 1

Ảnh minh họa

Những câu chuyện như thế này Hương đã vô tình nghe thấy biết bao nhiêu lần, lúc nào cũng làm cho tâm trạng cô nặng trĩu, khó chịu. Hương biết, cô em chồng không ưa mình ngay từ ngày về ra mắt, bởi lẽ Hương chỉ là một cô gái ở tỉnh lẻ, mới lên thành phố để tìm việc làm công nhân. Tuy nhiên, bố mẹ chồng Hương lại có những tiêu chuẩn khác khi lựa chọn dâu. Họ không quá coi trọng ngoại hình, điều kiện kinh tế hay công việc, mà thay vào đó, họ đặt nặng tình cảm và tính cách của con người.

Về làm dâu, Hương hạnh phúc vì được bố mẹ chồng và ông xã thương yêu, thấu hiểu. Thế nhưng, cô em chồng lại khiến cô thấy khó xử và mệt mỏi vì những hành động, lời nói khó chịu. Ánh từ nhỏ được bố mẹ và anh trai cưng chiều, tính đỏng đảnh và lười biếng làm việc nhà. Ánh dành phần lớn thời gian vào việc học tập và chơi bời với bạn bè mà không hề quan tâm hay giúp đỡ công việc gia đình.

Đến bữa ăn, gọi mãi Ánh mới xuống, hôm nào không có món yêu thích hoặc nấu không hợp khẩu vị là ngồi chê bai. Sau khi ăn xong, cô đứng lên đi ra phòng khách để ăn trái cây, bỏ mặc chị dâu với cả đống bát đũa và lau chùi bếp núc. Ngay cả việc gấp quần áo sau khi phơi cũng trở thành trách nhiệm của Hương hoặc mẹ chồng. Có lần Hương vô tình xếp nhầm chiếc áo phông của Ánh vào tủ của bố mẹ. Khi Ánh không tìm thấy áo đã làm ầm ĩ lên rồi trách móc: “Sao chị chẳng làm được việc gì vậy?”. Ngày hôm ấy, bố mẹ chồng Hương đi ăn cưới, chứ không Ánh cũng bị mắng cho một trận.

Khi Hương hạnh phúc đón bé gái đầu lòng, cô đối diện với bài toán khó về việc sắp xếp chuyện gia đình và công việc. Bà nội, bà ngoại đều bận nên không thể nhờ để trông cháu, trong khi đó nhà máy lại ở khá xa nên việc đi lại hàng ngày cũng rất vất vả. Sau rất nhiều ngày trăn trở và suy nghĩ, Hương quyết định nghỉ việc. Hương tính chờ khi con đi nhà trẻ thì sẽ tìm một công việc ở gần nhà. Thấy vậy, Ánh lại không giấu nổi thái độ coi thường với quyết định của chị dâu, cô ấy đó là sự lựa chọn kém cỏi.

Một sự nhịn, chín sự coi thường - 2

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi con đi nhà trẻ thì Hương lại không dễ dàng tìm được một công việc vừa ý. Những nơi cô đến đều không phù hợp do thời gian làm việc quá dài, sáng đi sớm tối về muộn không có ai đưa đón con cái. Trong lúc này, mẹ chồng Hương mong muốn cô ở nhà và giúp bà quản lý quán ăn vặt. Mức thu nhập từ công việc này cao hơn so với đi làm ở công ty và quan trọng hơn là Hương có thể chủ động được thời gian.

Thời điểm đó, cuộc sống của Ánh cũng có những thay đổi. Sau khi tốt nghiệp, cô nhanh chóng tìm được công việc, kết hôn và chuyển đến sinh sống cách nhà khoảng 5 cây số. Cứ cuối tuần, Ánh lại trở về nhà để được tận hưởng cảm giác “ăn ngon, ngủ sướng” như hồi chưa đi lấy chồng.

Hương mặc dù không đi làm công ty, nhưng ngày nào cũng bận rộn chẳng có thời gian cho riêng mình. Quán ăn vặt cứ mở cửa là khách nườm nượp kéo vào, nhất là vào những buổi chiều khi học sinh tan trường. Không chỉ vậy, Hương còn phải xoay xở việc nhà, từ nấu ăn, dọn dẹp, cho đến đưa đón con đi học. Ngày nào cũng như ngày nào, đến tận nửa đêm Hương mới được nghỉ ngơi. Thế nhưng, Ánh không thấu hiểu điều đó mà còn luôn soi mói chị dâu. Mỗi lần Ánh về chơi, mỗi câu nói, mỗi hành động của cô ấy lại khiến cho bầu không khí gia đình bỗng chốc trở nên ngột ngạt và căng thẳng, như một dây đàn bị kéo căng đến tận cùng.

Một hôm, mẹ đẻ của Hương bị ngã xe máy phải lên thành phố nhập viện khiến chị vô cùng lo lắng. Trong khoảng thời gian đó, Hương tạm gác công việc quán xá, dành hết thời gian để chăm sóc mẹ. Cuối tuần, Ánh về chơi, cô biết chuyện không những chẳng hỏi thăm mà còn yêu sách với chị dâu. Khi thấy Hương nấu cháo mang vào cho mẹ mà không nấu cơm cho mọi người ở nhà, Ánh tỏ ra vô cùng khó chịu.

- Đến trưa rồi, sao chị không nấu cơm luôn cho cả nhà mà nấu mỗi cháo mang đi vậy?

Một sự nhịn, chín sự coi thường - 3

Ảnh minh họa

Chị Hương nhẹ nhàng đáp lại trong khi đôi tay vẫn đang thoăn thoắt sắp đồ:

- Chị tranh thủ chạy vào luôn chứ mẹ chị ở trong đó có một mình, muốn xoay xở gì cũng khó. Cá, tôm, thịt, rau củ đều sơ chế qua ở trong tủ lạnh, em xem nấu giúp chị nhé!.

Ánh vẫn không chịu hiểu, tiếp tục cằn nhằn:

- Có ai cấm chị đi chăm mẹ chị đâu, nhưng mà chị cũng phải biết điều, nấu cháo mang đi thì cũng phải nấu cơm cho mọi người ở nhà. Việc ở quán mấy nay chị cũng không phải làm rồi, định bỏ luôn cả việc nhà đấy à?

Chị Hương cố gắng giữ bình tĩnh:

- Hôm nay muộn rồi chị phải đi ngay. Em ở nhà đang rảnh rỗi có thể nấu ăn hoặc đặt đồ ăn về cũng được.

- Đúng là anh tôi quả là không may mắn - Ánh nói, mặt tỉnh bơ.

Nghe những lời này thì Hương không thể nín nhịn được nữa. Cô quay lại, giọng gay gắt:

- Cô vừa phải thôi nhé. Nhìn lại bản thân mình xem thế nào mà suốt ngày soi mói, coi thường người khác. Tôi lơ đi thì cô càng lấn tới. Sống phải biết điều chút thì mới dễ sống cô Ánh ạ.

Lần đầu thấy chị dâu dám lớn tiếng với mình, Ánh định lao đến thì mẹ chồng bước vào.

- Ánh, mẹ nghe hết cả rồi. Bố mẹ chiều con quá nên mới ích kỷ, nhỏ nhen vậy à? Vào phòng mẹ nói chuyện. Còn Hương, con đi đi không muộn.

Hương tiếp tục bước đi, lòng nặng trĩu suy tư. Nhưng chị quyết tâm, từ giờ sẽ không còn nhẫn nhịn trước cô em chồng tính tình khó chịu nữa.

Chia sẻ

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục

Học cách buông bỏ

Học cách buông bỏ

Dù chẳng nói ra nhưng My cũng thầm hiểu lý do vì sao chị Khanh đến bây giờ vẫn lẻ bóng. Vì vậy, My đang cố gắng để giúp chị thay đổi...

Vì tôi là một phần của ngôi nhà

Vì tôi là một phần của ngôi nhà

Malik Edwards, một người đàn ông bình thường sống ở Australia nói: “Tôi không giúp vợ tôi nấu cơm vì tôi cũng muốn ăn và tôi cũng cần phải nấu. Tôi không giúp vợ rửa bát sau khi ăn vì tôi cũng dùng những món đó. Tôi không giúp vợ trông con vì chúng là con của tôi và tôi có trách nhiệm làm cha. Tôi không giúp vợ rửa bát, phơi hay gấp quần áo, bởi đó cũng là quần áo của tôi và các con....

Hôn nhân... bừa bộn

Hôn nhân... bừa bộn

Theo năm tháng, hôn nhân tinh tươm hôm nào bỗng trở nên bừa bộn khiến nhiều người vợ, người chồng nhìn vào hôn nhân của mình mà… chán nản.

Tài liệu tham khảo chữa ngoại tình

Tài liệu tham khảo chữa ngoại tình

Bài viết không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế các loại thuốc chữa bệnh ngoại tình. Hãy chỉ sử dụng nó như một tài liệu tham khảo.

Chia nhà cho con, bố mẹ trở thành “kẻ ở nhờ”

Chia nhà cho con, bố mẹ trở thành “kẻ ở nhờ”

Từ ngày ông bà chuyển quyền sở hữu ngôi nhà của mình cho con trai út thì câu cửa miệng của nó với ông bà mỗi lúc bực tức hay cần quyết định vấn đề gì liên quan đến ngôi nhà là “bố mẹ đang ở nhờ trong nhà tôi nên chẳng có quyền gì ở đây”. Mấy đứa con khác sống bên ngoài cũng không còn lối về nhà bố mẹ như xưa.

Mở cửa trái tim

Mở cửa trái tim

Tôi đã từng ôm nỗi đau đớn bị phản bội, rồi nghiệt ngã cả với những người thân yêu của mình. Cho tới khi một sự cố xảy ra, khiến tôi bừng tỉnh.

"Nắng tháng tám, rám trái bưởi"

"Nắng tháng tám, rám trái bưởi"

Người Hà Nội nói riêng, và người miền Bắc nói chung, cả năm 12 tháng chỉ chờ đúng 1 tháng mùa Thu để tận hưởng những thanh âm vui vẻ của tiết trời ôn hoà, rộn ràng háo hức như vào mùa vụ.